Nowhere Land

Tuesday, January 10, 2006

Nhặt nhạnh

Hai bài viết của Phan Việt trên Tia sáng bàn về Giáo dụcVăn hoá (bài 2 trong series)
Bài trên VNN đăng lại báo Cứu quốc về các đại biểu Quốc hội đầu tiên.


Thử comments về bài Văn hoá của Phan Việt nhé:

1. Bài viết chỉ ra đúng những điểm yếu của tình trạng đọc, dịch và nghiên cứu văn học ở Việt Nam hiện nay một cách chính xác và rõ ràng. Các điểm phân tích của tác giả đều đúng đắn. Tuy nhiên có thể có một số điều trong lập luận của tác giả tạo cảm giác không chắc chắn lắm.

2. Phan Việt chê Vệ Tuệ coi là không đại diện cho giới trẻ TQ hay trào lưu văn học trẻ TQ được nhưng lại không nêu ra chẳng hạn thế thì ngoài cái Lingliu gì đó thì văn học TQ đương đại có những gì để có thể đại diện cho giới trẻ. Tớ thấy có hai nhà văn gốc TQ và viết bằng tiếng Anh khá nổi tiếng ở Mỹ là Amy Tan và Ha Jin (giải National Book Award, Pen/Faukner Award), về đề tài thì Amy Tan khai thác về các kinh nghiệm của người Mỹ gốc Á nhất là phụ nữ còn Ha Jin-từng tham gia Cách mạng văn hoá và tham gia quân đội TQ- lại quay trở về với đề tài Cách mạng văn hoá, tức là cũng không có gì mới mẻ cả mà chỉ thoả mãn thị hiếu của người Mỹ về những nỗi thống khổ trong một xã hội toàn trị như họ vẫn hình dung. Còn các nhà văn trẻ của Trung Quốc như Vệ Tuệ thực ra cũng không được đánh giá cao ở Mỹ (tớ thử tìm sách trong thư viện trường tớ-một trong những thư viện Đại học lớn nhất Mỹ mà không thấy có), theo Phan Huyền Thư thì họ cũng không được đánh giá cao cả ở Trung Quốc. Tớ cũng không rõ ở TQ thì họ được đánh giá thế nào.

3. Phan Việt cho rằng

"Nếu để dịch các tác phẩm về văn học phản kháng nói riêng và sách cho/về thanh thiếu niên, lẽ ra ở Việt Nam nên bắt đầu, ít nhất, từ những sách kinh điển thuộc vào genre dành cho tuổi mới lớn như The catcher in the rye (Bắt trẻ đồng xanh) của J.D. Salinger, On the road (Trên đường) của Jack Kerouac, A portrait of the artist as a young man (Chân dung một nghệ sỹ trẻ - dịch tạm) của James Joyce; các sách của Jane Austen; To kill a mocking bird (Giết chết con chim nhại tiếng - tạm dịch) của Harper Lee; Heidi của Jonathan Sypri; The lord of the rings (Chúa Nhẫn) của J.R.K. Tolkien, hay thậm chí sách của George Orwell, John Steinbeck, Jules Verne, Charles Dickens, Vladimir Nabokov, vv..."

thì thực ra hầu hết các tác giả này đều đã được dịch ra tiếng Việt, có lẽ trừ James Joyce (quá khó?), Orwell (chống cộng?), Nabokov (Nga lưu vong, nhạy cảm?). Jack Kerouac thì tớ không biết đã dịch chưa (ở miền Nam trước 75?) nhưng có Kent Kesey cũng thế hệ Beat thì cũng được dịch rồi. Jonathan Sypri thì tớ không biết là ai. Có điều họ không tạo ra được cơn sốt nào hay những ảnh hưởng có tính cộng hưởng trong giới báo chí, phê bình, sáng tác. Lý do tại sao thì tớ chịu, có thể do các nhà phê bình, nhà báo tung hô, có thể do các dịch giả tiếng Trung tích cực làm việc hơn, có thể do bạn đọc thích "nổi loạn" kiểu Á Đông hơn, hoặc cũng có thể do truyền thống học tập Trung Quốc lấy Tàu làm trung tâm của người Việt Nam.

4. Một điểm nữa là Phan Việt hơi có xu hướng coi thường những tác phẩm thuộc dòng mystery, thriller, science fiction/fantasy coi nó không phải văn học (ở đây có lẽ Phan Việt hơi nhầm lẫn khi cho Da Vinci Code là science fiction, thật ra phải coi nó là mystery mới đúng). Ranh giới giữa các lĩnh vực này thực ra tương đối khó phân biệt. Ngay trong danh sách trên của Phan Việt thì Jules Verne cũng là science fiction, 1984 của Orwell cũng có thể coi tương tự thế, Lord of the Rings thì hoàn toàn là fantasy. Rất nhiều tiểu thuyết hậu hiện đại cũng pha trộn cả science fiction, fantasy...

Thế nên coi Da Vinci Code không có giá trị văn học vì thể loại của nó là mystery/thriller cũng là chưa thoả đáng.

5. Các tiêu chí mà Phan Việt đưa ra để đánh giá tác phẩm văn học như có thể dịch ra tác phẩm đó và người nước ngoài sẽ thấy đó là tiêu biểu cho văn học Việt có lẽ cũng hơi cứng nhắc. Tại sao phải lấy mức độ "tiêu biểu" cho cuộc sống, con người VN để làm căn cứ đánh giá? Và tại sao phải nhất thiết là đánh giá của người nước ngoài. Ví dụ mà Phan Việt nêu về Nỗi buồn chiến tranh chẳng hạn, cuốn này được đánh giá cao cả trong và ngoài nước không hẳn vì nó đại diện cho người Việt Nam, (mặc dù cũng có yếu tố đó, vì nó giúp cho nhiều người Mỹ thấy là lính Bắc Việt cũng là human chứ không phải là những cỗ máy hay những kẻ fanatic)mà là nó đề cập tới những vấn đề muôn thuở nhưng vẫn luôn luôn có giá trị: số phận của con người và nhân tính, ranh giới giữa Thiện và Ác, giữa điều nên làm và không nên làm trong chiến tranh...

Tương tự, cách hiểu về giá trị các tác phẩm văn học hiện thực của Phan Việt "Chúng luôn là những câu chuyện chứa đầy cảm thông về những nỗi khổ của con người trước các hệ thống xã hội và tác giả không bao giờ là người đứng ngoài hay đứng trên." liệu có hơi hạn chế không. Trong Đỏ và đen của Stendhal chẳng hạn, tác giả dường như cố tình đứng ngoài để phân tích và những cảm thông về nỗi khổ ấy chỉ gợi mở cho người đọc. Hơn nữa, đã chắc gì trong những "bài chửi ngoa ngoắt" ấy đâu phải là tác giả không cảm thông với nỗi khổ của con người. Mặc dù vậy, tớ cũng đồng ý với Phan Việt là giới văn nghệ sĩ Việt Nam nói chung chửi hơi nhiều và thời gian đó kéo dài quá lâu đến mức sau khi chửi phát chán rồi thì giờ họ cũng chẳng biết làm gì tiếp vì cũng cạn kiệt vốn sống thực tế và lạc hậu so với thời đại.

8 Comments:

  • Hi anh Linh,

    Đồng ý với các nhận định của anh. Thực ra bản thân em lúc viết bài đó cũng biết là nhiều chỗ mang tính nhận định hơn là phân tích có dẫn chứng. Nó là bài dạng tổng kết mà; còn nếu để phân tích thì mỗi một ý nhỏ mà em nói lẽ ra phải được viết thành một bài riêng.

    Có một số điểm em vẫn giữ nguyên ý em:

    1. Về chuyện dịch ra tiếng nước ngoài và điển hình, thực ra ý của em nó xuất phát thế này này: khi làm nghiên cứu ở bên này chẳng hạn, chỉ có một chuẩn cho chất lượng thôi, nếu nghiên cứu của anh tốt thì nó phải tốt ở mọi nơi và xứng đáng đứng trên các tạp chí quốc tế về chuyên ngành. Bây giờ em quan niệm là chỉ có một thế giới thôi, không có 2 thế giới là Việt Nam và phần còn lại; vì thế nên nếu làm cái gì cũng phải làm như thể sẽ phải qua kiểm duyệt ở một hội đồng khắt khe nhất; chứ em thấy các nhà văn VN nhiều khi viết chỉ nghỉ đến mỗi một góc nho nhỏ là VN, thậm chí có lẽ viết như để thanh minh, đối đáp với một ai đó. Cứ như thế thì khó làm ra cái gì tử tế. Từ đầu, phải xác định tâm thế là mình viết cho một độc giả rất rộng.

    2. Amy Tan và một số nhà văn mới nổi kiểu như anh Change Rae Lee người gốc Hàn Quốc đều sống ở Mỹ lâu rồi. Bàn về sách của mấy người này thì hơi dài.

    3. Chuyện về yêu thương con người, em nhận thấy thế này này: thường người ta sống đến một mức nào đó và nhìn nhận đuợc rõ rõ hơn về cuộc sống, những người có đầu óc thường thấy rõ là con người xung quanh rất ngu xuẩn và buồn cười (thật đấy). Và họ thấy thế giới bên ngoài mới nực cười làm sao, mọi người mới kỳ cục làm sao, sự ngu xuẩn đấy không thể tolerate đựoc. Kiểu như cụ Lenin nói quần chúng là những củ khoai ý; hoặc cụ gì bảo không có gì của con người mà xa lạ với tôi. Thậm chí nhiều ông bảo là phỉ nhổ vào đám đông ngu dốt, nhổ toẹt vào xã hội. Sau đó một thời gian, thì người ta sẽ lại thấy một bức tranh khác, cân bằng hơn về con người và người ta thấy những cái nỗi khổ khác. Em theo dõi tâm lý các nhà văn lớn, những nhà triết học, và đại để những người có suy nghĩ và đã move cái thế giới này, em đều thấy như thế cả. Bản thân em cũng thấy mình kinh nghiệm ở những mức độ nhỏ hơn cái điều trên. Khi người ta viết ở một khúc nào thì cái nhân sinh quan của người ta nó sẽ thể hiện ra ở trang viết. Cái em muốn nói là các nhà văn VN thường chỉ đi đến mỗi chỗ nhận ra XH nhiễu nhương, và ghét, và chửi ầm lên, xong đó thì mệt quá nằm lăn ra; và thường em nghĩ là nhiều người trong họ lẩn quẩn trong những bi kịch tưởng tượng về con người, chứ thực ra chưa bao giờ biết cái nghèo nó thế nào, cái sự đồi bại do nghèo nó thế nào, vân vân... Kinh nghiệm của họ đa phần là một xh đóng như VN lúc trước chứ không phải một xã hội mở và đa dạng như Mỹ, chỗ mà những hệ thống và các vấn đề của con người làm cho người ta phải nghĩ đến những thứ to lớn hơn là việc chửi rủa và phán xét.

    Nhưng túm lại là em thấy những ý của anh đều đúng cả. Bài tới em sẽ viết cẩn thận hơn :)
    -tiny-

    By Anonymous Anonymous, at 1/11/2006 9:39 AM  

  • Hì hì, nói chung em ngại viết báo lắm. Nhưng có chú VT tổng biên tập bên đó hay gửi thư cho em yêu cầu viết, nhiều khi nể thì viết nhưng cứ phải squeeze vào những kẽ hở thời gian mình có cho nên nhiều lúc đúng là viết cũng không được kỹ lắm.

    Về chuyện blog, em cũng nghĩ đến lâu lâu, rồi lại ngại. Thời gian tới, anh xã em làm cho em website thì em sẽ publish các thứ vậy, cả tiểu thuyết nữa hihi...

    À, về phần làm lẫn việc của nhau... em không nói việc đó một cách chung chung, mà em nói cụ thể là những người Việt Nam. Hiện tại thì em nghi ngờ khả năng làm nhiều thứ cùng lúc của các bác thế hệ trước tại VN. Em thấy là mỗi một người nên chuyên tâm làm thật tốt một thứ thôi. Như em thì sau loạt bài này em cũng không bao giờ viết bình luận văn học nữa, kiểu gì cũng không viết. Không phải vì sợ hay ngại gì, mà em xác định đấy không phải việc của em. Việc của em là viết văn. Nếu ai cũng chăm chú làm tốt việc của mình và tìm hiểu để biết một cách tường tận về lĩnh vực của mình thì mọi thứ mới tốt lên được. Anh là người làm về tin học chẳng hạn, nếu anh nghe người nào biết đại khái về ngành của anh mà phát biểu cái này cái nọ, chắc anh cũng ghét hihi.

    Cuối cùng, về chuyện personal, charming và strong articles thì hì hì... thank you, I will try my best... À, em thấy em bắt đầu bị ảnh hưởng văn hoá U of Chicago. Ở đây có một kiểu văn hoá ăn nói và nghĩ rất đặc trưng. Mà để em post cho anh xem bản gốc của bài này nhé. Em vốn viết nó khác hẳn.

    By Anonymous Anonymous, at 1/11/2006 11:25 AM  

  • Phần thứ 2: Chuyện văn học – văn hoá – và những thứ khác
    Phan Việt

    Nhật ký giả tưởng ngày …

    7 giờ sáng: Vừa ngủ dậy, kiểm tra email đã thấy thư của tạp chí Tia Sáng gửi, yêu cầu viết tiếp phần 2 về những chuyện đáng buồn trong văn học-dịch thuật. Tự nhiên thấy bần thần. Vì chuyện đáng buồn nhiều quá, có nói cũng đến thế thôi. Nên viết thư lại cho Tia Sáng bảo là cho em khất một thời gian.

    Xong rồi chuẩn bị đến trường. Đêm qua trời hơi ẩm lên nên tuyết tan nhiều. Ngay ở cửa ra vào, người ta đứng giũ tuyết nên nước đọng thành vũng. Mình không để ý, giày thì lại đế bằng nên trượt oạch một cái. May mà bám được vào cánh cửa nên không ngã. , Đấy, nếu chẳng ai chịu để ý, chẳng ai quan tâm, chẳng ai còn dám nghĩ nói dám làm nữa, thì mọi việc sẽ hỏng hết. Mình không biết viết phê bình; nhưng nghĩ đến những người viết khác sẽ còn bị làm nản lòng vì những chuyện lố bịch tràn lan, giống như mình cũng vừa mới suýt chán chẳng buồn nói, mình quyết định sẽ viết cái gì đấy - với tư cách là người đọc và quan tâm với văn học.

    Nhưng vẫn chưa nghĩ ra được là viết thế nào cho tốt và bắt đầu từ đâu. Nhiều cái để nói quá, chẳng biết bắt đầu từ đâu.

    9 giờ sáng: Mình ở trong kho sách của trường, lúi húi tìm mấy cuốn của William Duiker về Việt Nam. Góc Việt Nam ở tận trong cùng trên tầng năm. Trong đấy tối quá, mình đi ra ngoài, bảo người phục vụ bật hộ đèn, người đó cười bảo mình “Tôi tưởng là sách tự toả sáng rồi chứ”. Mình cũng cười bảo “Nhưng tôi đang ở khu sách về chiến tranh Việt Nam”. Là mình nói đùa thế, nhưng kể ra cũng đúng nếu bảo “tôi đang ở khu sách về văn học Việt Nam đương đại”.

    Hôm qua, có đọc bài viết của nhà văn Nguyên Ngọc, nói rằng cái mới, cái có giá trị là cái chẳng biết xếp vào đâu; mình cười. Cái mới (ở Việt Nam) không phải là không biết xếp loại vào đâu, vào ô nào cũng thấy không vừa; mà bởi vì văn học Việt Nam nghèo nàn và bé đến nỗi chưa cả có các ô; hoặc các nhà phê bình và nhà văn không biết mà gọi nó ra. Văn học VN chưa có một cấu trúc các genre rõ rệt như các nền văn học lớn (kiểu như chia thành văn học kinh điển – khoa học viễn tưởng – lãng mạn – kinh dị - tuổi mới lớn - giải trí; cũng giống như chia phim thành phim hành động – phim kinh dị - phim hài – phim hàn lâm; và nếu là phim kinh dị thì phim hay là phim dùng kỹ xảo làm người ta sợ, phim hài hay là phim làm người ta cười). Do đó mà có những cái người nước ngoài sẽ mạnh dạn xếp được ngay vào genre nào - để từ đó mà đánh giá – thì người Việt đổ đống hết tất cả các sách có yếu tố hư cấu được xuất bản ra vào trong cái gọi là “văn học” và sau đó thì ngẩn ngơ vì không biết dùng chuẩn nào để đánh giá những thứ hỗn độn ấy. Do đó mà tranh luận ngược xuôi vẫn không thống nhất được, vì dùng những chuẩn đánh giá khác nhau.

    Cứ xem trường hợp điển hình mà bác Ngọc bảo là mới và cũng đang “xôn xao văn đàn”: tập Bóng đè của chị Đỗ Hoàng Diệu. Ở nước ngoài, thì đa số truyện trong cuốn này chắc sẽ được xếp vào genre dành cho adult books hoặc entertainment books – là những sách đọc giải trí, thiên về kích thích; một số khác lẽ ra phải được biên tập kỹ hơn rất nhiều trước khi đem in. Sách loại này ở nước ngoài rất nhiều, thậm chí có cả một ngành công nghiệp khổng lồ hậu thuẫn cho nó. Những cuốn này viết lôi cuốn, kích thích, cũng có ẩn dụ về thân phận con người, về các định kiến xã hội hẳn hoi (kiểu như tình yêu người nghèo với người giàu, chuyện cô giáo với học sinh, chuyện mẹ chồng con dâu, chuyện thày tu – con chiên, chuyện xã hội, lịch sử; chuyện dằn vặt tâm lý của con người; chuyện đấu tranh giữa lý trí và tình cảm, giữa dục vọng và đạo đức; chuyện khao khát tự do, giải phóng, vv…) nhưng mục đích chính vẫn chỉ là kích thích và khơi gợi trí tưởng tượng. Mà họ viết tử tế, nghiêm túc. Lại nữa, ở Mỹ, nhà nào có truyền hình cáp thì đều có những kênh dành cho “người lớn”; chuyên chiếu những phim công khai về tình dục, tường tận vào từng cảnh – và có cốt truyện hấp dẫn hẳn hoi; để giúp cho người dân có đời sống tình dục lành mạnh và hạnh phúc – như một việc hết sức bình thường. Những việc ấy thật “chẳng có gì mà ầm ỹ”. Thế mà về đến Việt Nam thì thành ra nào là cách tân, nào là giải phóng phụ nữ, nào là văn học tình dục/tính dục, nào trào lưu, chủ nghĩa. Mà toàn dùng khái niệm lệch lạc, tuyên truyền và nhìn nhận thiển cận. Cũng vì không có công cụ đánh giá và chẳng nhìn được ra một bức tranh lớn nên cứ đắm đuối mãi vào mấy cái tên, mấy cái ô be bé có sẵn. Mình cá là có rất ít người trong số những người phát biểu về tiếng nói nữ quyền trong văn học mới hiểu đích xác nữ quyền là cái gì.

    Nhưng thực ra, việc xếp vào genre nào cũng không quan trọng – cái đó chỉ là hình thức. Quan trọng là nội dung thế nào. Cá nhân mình thấy, một phép thử đơn giản nhất để biết một tác phẩm có giá trị hay không là trả lời hai câu hỏi:
    1. Chúng ta có dám dịch tác phẩm đó ra, ví dụ, tiếng Anh chẳng hạn, để giới thiệu với bạn bè thế giới, như là một bức tranh tiêu biểu cho cuộc sống và suy nghĩ của người Việt Nam?
    2. Người nước ngoài, khi đọc tác phẩm đó, họ sẽ hiểu thêm rằng đấy, cuộc sống ở Việt Nam là thế, cuộc sống con người nói chung là thế, chứ không phải để họ bảo “Bọn Việt Nam sao mà mọi rợ; chúng nó nghĩ thế này thật à?”
    (Cũng giống như ngược lại, khi chọn dịch tác phẩm văn học nước ngoài, nên chọn tác phẩm nào đặc trưng về con người, chứ không phải để “tự sướng” rằng bọn nước đấy sao kỳ quặc thế)

    Mà nói như thế, tức là không
    cần tác phẩm phải ca ngợi, tô hồng gì về cuộc sống. Ví dụ như Nỗi buồn chiến tranh chẳng hạn. Nó đâu cần phải nói gì về người Việt Nam anh hùng bất khuất, đánh thắng giặc Mỹ. Nó trước hết nói về con người trong chiến tranh – con người nói chung, không biên giới, với những nỗi sợ hãi có thật, tình yêu có thật, bi kịch có thật trong dòng xoáy chiến tranh. Nó có thể tự tin đứng ngang với Phía Tây im tiếng súng của Remarque hay Chuông nguyện hồn ai của Hemingway. Nó làm cho người ta hiểu về cái gọi là “human conditions” (tình cảnh con người) chứ không phải là về một sự mọi rợ nào đó mà khi đọc, người ta sẽ hân hoan rằng sao cái bọn đấy mọi thế và mình thật là văn minh.

    Dùng một chuẩn công bằng, ngang tầm thế giới trên, thay vì lúi húi trong nước với nhau, thì có thể dễ dàng biết ngay cái nào hay thật, cái nào hay giả.

    1.30 chiều: Vào lớp Colonialism, Postcolonialism and Globalization học. Trong lớp chủ yếu là sinh viên khoa sử và khoa thế giới; hầu hết đều khoảng 20 tuổi. Hôm nay lớp học bàn về nền thuộc địa Pháp, sách của Jacques Marseille. Họ nói về những khác biệt trong chính sách thuộc địa của Pháp so với Anh; vì sao Pháp lại ngừng quá trình thuộc địa hoá vào năm 1960, vân vân… Họ nói về lịch sử như những việc đã qua và khách quan, không cần phải dằn vặt, tức bực, tủi hổ hay nhục nhã gì cả. Chúng là cái đã qua.
    Sống ở đây 5 năm, mình thấy người Mỹ chẳng băn khoăn gì về nguồn gốc pha tạp của họ hay việc khoảng 20 năm nữa, đến 1/3 dân Mỹ sẽ có gốc người Mê-xi-cô trong khi dân da trắng gốc châu Âu thì ngày càng ít. Có thể, tất cả những người chiến thắng đều có tâm lý ấy. Mà cũng có thể vì họ có tâm lý ấy nên họ chiến thắng. Họ chỉ quan tâm tới hiện tại. Họ tin rằng nếu nỗ lực hết sức và có tài thì sẽ vươn được lên, chẳng cần biết xuất thân từ đâu.
    Mình cũng tin như thế, nhất là cho lớp người trẻ như mình và thế hệ em mình. Mình nghĩ đến những thứ người ta đang bàn cãi về cái gọi là “tội tổ tông” và “mặc cảm nhược tiểu của dân tộc”. Toàn là bi kịch tưởng tượng và thực tại khuếch đại của các nhà phê bình và các trí thức quanh quẩn trong những vũng lầy tâm tưởng của họ. Có thể quan sát các xã hội để biết con người ở đâu cũng đau khổ như nhau vì những thứ bi kịch tâm tưởng kia – cái ảo tưởng về sự tồn tại có thực của “tội tổ tông” và “mặc cảm nhược tiểu” cũng sẽ là một bi kịch mới cho nhiều người.
    Mình tin và đã thực chứng rằng chẳng có bất cứ thứ quá khứ nào có thể lôi người ta xuống, đè bóng lên người ta cả. Chỉ có người nào cho phép quá khứ làm điều đó với mình thì điều đó mới xảy ra. Nỗ lực của cá nhân sẽ giải phóng được con người. Mình biết rằng lớp người mới, như nhiều bạn bè mình chẳng hạn, có thể sống đàng hoàng, ngay thẳng mà không cần những cái vướng víu quá khứ kia - giả sử chúng có thật.
    Và cuối cùng, thì gọi tên những cái kia ra có lợi gì chứ? Thứ nhất là mình không tin nó có thật. Những cái nhãn hiệu “tội tổ tông” “mặc cảm nhược tiểu” đã được dùng sai cho những cái khác: sự nghèo nàn, sự thất học, sự thiếu nhận thức, sự sai đường, sự thiếu ánh sáng. Vậy thôi. Chẳng có “mặc cảm nhược tiểu” nào hết. Đào tạo, giáo dục, cải thiện đời sống, đưa đủ thông tin thì rồi con người sẽ hết sống kiểu “mọi rợ”. Mình thất vọng thấy những người lớn đã khuếch đại những nhận thức cảm tính và tâm lý của (thế hệ) họ thành ra đặc điểm dân tộc, nhất là đặc điểm con người. Việc những người lớn làm ồn ào để thoả mãn bức xúc của chính mình là không công bằng cho người trẻ.

    5 giờ chiều: Mình ngồi sửa lại mấy truyện cũ mình viết nhưng chưa gửi đăng bao giờ. Hôm trước, báo Tuổi Trẻ gửi thư mời viết báo Tết. Mình bảo là thôi, cho em khất. Từ lúc bắt đầu quan tâm đến văn học nước nhà thì sau khi xuất bản cuốn đầu tiên, mình bỗng nhiên thấy nản không muốn xuất bản tiếp. Cứ nghĩ đến chuyện đứng chung vào trong những sự nhập nhoạng về viết và phê bình kia, trong khi thế giới thì rộng lớn thế này, mình không đành lòng. Và nghĩ đến việc những người viết có lương tri khác phải đứng chung vào sự nhập nhoạng kia, mình cũng thấy không đành lòng. Giả sử mình đừng nhìn thấy những cái có giá trị rõ ràng khác; thì mình cũng có thể tặc lưỡi mà đem những thứ chưa hoàn chỉnh ra xuất bản nhập nhèm ở trong nước; rồi xuất hiện tùm lum và nói những lời vừa phải, giống mọi người, hùa theo những cái tên lớn trong nước để làm vừa lòng người khác. Nhưng mình không thể. Mình không làm được cái điều ấy vì mình luôn nghĩ đến những người viết lớn khác mà mình kính trọng, những người mà văn của họ là cái mình muốn hướng tới. Và mình nghĩ, khi không thể làm được như ý mình, thì thà im lặng còn hơn. Im lặng cũng là một thái độ tôn trọng, còn hơn là nói điều vô nghĩa.

    7 giờ tối: Ông xã từ sân bay về, hỏi tuần này ở nhà một mình có vấn đề gì không? Mình bảo có mỗi vấn đề là em đang phải viết báo cáo cuối kỳ mà mệt quá chẳng muốn viết. Ông xã bảo, thế thì nghỉ ngơi một thời gian đi; người đắc đạo thuận theo lẽ tự nhiên, khi nào thích thì viết, không viết cũng không sao, đừng vì bị o ép mà bỏ cái đạo của người lao động chuyên nghiệp, cho ra sản phẩm tồi.

    Một nhà văn nào đó trong số những người mà mình thích có nói đại ý rằng “trong mỗi một thế hệ người, chỉ có một số ít người sẽ vươn lên và dám sống đúng với nhân dạng thật của con người; số còn lại đều sẽ phản bội theo cách này hay cách khác, vì chủ tâm phản bội để hưởng lợi, hoặc vì có tâm nhưng thiếu hiểu biết. Nhưng chính cái số ít kia mới là những người làm thay đổi thế giới và tôi viết chính là cho những người đó”.

    Mình có thể chẳng bao giờ thành nhà văn, mà mình lại ở nước ngoài nên cũng chẳng động lòng với chuyện viết lách của người khác ở trong nước. Nhưng mình quyết định viết cái này, với tư cách một người đọc và quan tâm tới văn học, vì còn có một số người viết ở ngoài kia, những người có tài năng thật sự, có thể cần đến một sự đồng cảm, động viên nào đó.

    Vậy thì những người ở ngoài kia ơi, đừng nản lòng nhé!

    -tinyhuong-

    By Anonymous Anonymous, at 1/11/2006 11:35 AM  

  • Tớ cũng thấy đúng là đọc Nhật ký hay hơn ;).
    Bài viết của Tiny có thể có một vài lỗ hổng nhưng tớ nghĩ có nhiều giá trị. Có thể những điều Tiny nói không mới và nhiều người cũng nghĩ như thế hoặc gần như thế nhưng chưa thấy có mấy người phát biểu công khai trên báo chí với tư cách một người viết văn trẻ như vậy. Những người viết trẻ hay mắc thái độ hoặc gân lên, tạo scandal, gây chú ý hay xuề xoà, nhường nhịn, kính trên, nhường dưới để có được một góc chiếu sân đình. Dù ít dù nhiều, họ cũng bị ảnh hưởng và rất nhạy cảm với sự đón nhận của các bậc bô lão trong làng văn và những người chuyên viết phê bình trên báo chí.
    Hôm qua đọc Lời giới thiệu trong cuốn The Great Unravelling của Paul Krugman ông này nói rằng sở dĩ mình có thể nói được những sự dối lừa và dốt nát của chính quyền Bush từ sớm đến thế một phần là vì ông không phải nhà báo hay nhà bình luận chính trị, không dựa trên những shared assumptions của dân này, cũng không sinh sống ở Washington và socialize với dân bình luận báo chí hay phải phụ thuộc vào các nhà chính trị (ví dụ về khả năng tiếp cận thông tin kín hay các cuộc phỏng vấn riêng). Ở một góc độ nào đó, trường hợp của Tiny cũng tương tự như thế. Vì thế những tiếng nói như của Tiny hay như của Cao Việt Dũng mới đăng trên VNN là rất đáng chú ý, vì ít nhất, nó cũng break cái assumption về trật tự trong làng văn hay về việc giới trẻ hiện nay thực sự nghĩ gì.

    By Blogger Linh, at 1/11/2006 1:13 PM  

  • Hihi... cảm ơn anh Linh và anh Hiếu. Chờ đọc bài tiếp theo của em về chuyện tôn vinh học hàm học vị một cách không đúng chỗ nhé.
    -tiny-

    By Anonymous Anonymous, at 1/11/2006 1:37 PM  

  • Để em gửi vào email cho, chứ ở đây tai vách mạch rừng, nhỡ đâu giang hồ lại vào đây bon chen trước khi bài ra thì mất hay hihi.

    By Anonymous Anonymous, at 1/11/2006 8:55 PM  

  • Xương sống trong bài viết của Phan Việt nằm ở định nghĩa như thế nào có thể được coi là văn học (literature). Khi đã có một định nghĩa chiết trung thì tự khắc những vấn đề khác sẽ rõ hẳn ra, mà quan trọng là ta có thể phân biệt cái gì được phép chứng nhận nhãn hiệu văn học, cái gì thì không. Tuy nhiên, định nghĩa mà Phan Việt đưa ra còn rất nhoè. Mấu chốt vấn đề chính là ở đây.

    By Anonymous Anonymous, at 1/21/2006 12:14 AM  

  • That's a great story. Waiting for more. » »

    By Anonymous Anonymous, at 3/02/2007 7:03 AM  

Post a Comment

<< Home